Hợp tác xã chăn nuôi phát triển theo hướng nào?
Hợp tác xã chăn nuôi phát triển như thế nào?
Chăn nuôi được đánh giá sẽ chịu “tổn thương” rõ nét nhất trong ngành nông nghiệp khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Đã qua thời hợp tác xã đánh kẻng đi làm mà hiện nay hợp tác xã được xác định là nơi quy tụ các hạt nhân để tạo vùng sản xuất lớn.
Đặc biệt, sự tập hợp này sẽ trao cho các xã viên, người nông dân trong kinh tế thị trường, quyền thương thảo và quyết định giá trị nông sản của mình làm ra.
Trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay, vai trò của các hợp tác xã càng trở nên quan trọng, nhất là trong việc tập hợp, liên kết nông dân cùng sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, mô hình hợp tác xã chăn nuôi ở Việt Nam vẫn đang hình thành tự phát và khi đạt đến quy mô công nghiệp thì hầu hết đều gặp khó khăn trong quản lý và phát triển sản xuất.
Vấn đề phát triển hợp tác xã chăn nuôi đã được Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương quan tâm, tạo điều kiện trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hợp tác xã phải giải thể hoặc không có doanh thu do thiếu phương án sản xuất, kinh doanh, năng lực quản lý hiệu quả.
Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh và qua nhiều khâu trung gian dẫn tới người sản xuất thường xuyên bị ép giá.
Trong một cuộc họp mới đây về phát triển chăn nuôi tại Bộ NN&PTNT, nhiều đại diện hợp tác xã đề nghị phải có chính sách đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến thức ăn, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Có như vậy mới tạo điều kiện cho chăn nuôi ổn định, hiệu quả và tăng vai trò của hợp tác xã trong kết nối các hộ xã viên.
Tuy nhiên, không ít hợp tác xã khởi nguồn từ các hợp tác xã chăn nuôi đơn thuần đang tìm ra những hướng đi mới, hiệu quả hơn. Đây có thể được coi là những “ngã rẽ” bất ngờ của những hợp tác xã chăn nuôi năng động.
Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết các hợp tác xã chăn nuôi tổ chức được dịch vụ kinh doanh thì không những giá rẻ mà chất lượng vật tư cũng được đảm bảo.
Đặc biệt, dịch vụ chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp tạo sự gắn bó bền vững giữa các xã viên và mang lại lợi nhuận cho hợp tác xã.
Do đó, để phát triển mạnh mẽ hợp tác xã chăn nuôi, các địa phương cần đánh giá mô hình đang triển khai, rà soát lại quy mô, phương thức hoạt động cho phù hợp và nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Trong đó xác định rõ chủ thể của hợp tác xã cũng như khả năng đóng góp nguồn lực như vốn, cổ phần, nhân sự, thiết bị… theo đúng Luật hợp tác xã.